Phát triển và tiến hóa Đồ gốm Việt Châu

Đồ gốm Việt Châu bắt nguồn từ các lò nung gốm Việt tại miền bắc Chiết Giang, tại di chỉ Tế Nguyên gần Thiệu Hưng, trong thời cổ đại được gọi là "Việt Châu" (越州).[1][4] Tên gọi của nó gắn với nước Việt thời Xuân Thu-Chiến Quốc (771-476/403 TCN).[2] Đồ gốm Việt Châu được sản xuất lần đầu tiên trong thế kỷ 2, khi nó bao gồm các vật phẩm mô phỏng rất chính xác các đồ vật bằng đồng thanh, với rất nhiều cổ vật được tìm thấy trong các hầm mộ tại khu vực Nam Kinh.[1] Sau giai đoạn ban đầu này, đồ gốm Việt Châu đã tiến hóa nhanh thành các dạng gốm thật sự và trở thành phương tiện biểu đạt nghệ thuật.[1][2] Sản xuất tại Tế Nguyên dừng lại trong thế kỷ 6, nhưng lại mở rộng ra các khu vực khác ở Chiết Giang, đặc biệt là tại di chỉ gốm Việt hồ Thượng Lâm (上林湖越窑遗址) gần Ninh Ba.[1][2]

Các mảnh đồ sành thời Đường với men ngọc (gốm Việt Châu), được tìm thấy ở Samarra, Iraq.

Đồ gốm Việt Châu từng được đánh giá cao và được dùng làm cống phẩm cho triều đình Trung Hoa trong thế kỷ 9.[2] Đáng chú ý là nó cũng được sử dụng trong ngôi chùa cổ kính nhất tại khu vực Quan Trung của Trung Quốc là chùa Pháp Môn ở tỉnh Thiểm Tây.[2] Đồ gốm Việt Châu cũng từng được xuất khẩu sang Trung Đông từ rất sớm. Một ví dụ về ảnh hưởng Trung Hoa đối với đồ gốm Hồi giáo là các mảnh gốm Việt Châu đã được khai quật tại Samarra, Iraq.[4] Từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 11 nó cũng được xuất khẩu tới Đông Á, Nam ÁĐông Phi.[2][5]

Một đĩa gốm Việt Châu, Chiết Giang, thế kỷ 10.

Một dạng tinh xảo của đồ gốm Việt Châu được gọi là gốm Việt màu bí truyền (秘色越器 = bí sắc Việt khí, hay 秘色青磁 = bí sắc thanh từ, nghĩa đen là "đồ gốm/sứ Việt Châu màu bí truyền") được tìm thấy ở chùa Pháp Môn có niên đại tới thế kỷ 9. Loại đồ gốm này không trang trí nhưng có bề mặt nhẵn và tráng lớp men mỏng nhạt màu, hoặc là màu xanh lục ánh vàng hay xanh lục ánh lam.[2]

Đồ gốm men ngọc Triều Tiên được cho là chịu ảnh hưởng của đồ gốm Việt Châu từ thế kỷ 11, có màu men ánh lam nhiều hơn bằng việc sử dụng các loại men tro ít sắt và ít titania, gần với điểm eutecti lý tưởng. Tuy nhiên, người Triều Tiên cũng đã phát triển các loại men ngọc màu xanh lục ánh lam của riêng mình vào thời kỳ Cao Ly, và chúng là khác với men ngọc của đồ gốm Việt Châu.[2]